(TBTCO) - Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, khi vấn đề pháp lý được gỡ vướng, các đòn bẩy về tài chính sẽ dần được cải thiện, room tín dụng được nới thêm, cùng với đó là những cơ chế chính sách về trái phiếu doanh nghiệp được tháo gỡ sẽ giúp thị trường bất động sản (BĐS) “ấm” lên.
Theo bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, trong khi nguồn cung căn hộ đang ngày càng khan hiếm do các vướng mắc về pháp lý thì việc mất cân đối các phân khúc sản phẩm cũng là vấn đề rất đáng lo ngại. Thị trường BĐS đang ngày càng ít các sản phẩm giá rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của người mua nhà, mà tập trung chủ yếu vào phân khúc trung và cao cấp, hạng sang.
Bà Hằng cho biết, để giải quyết hai vấn đề là nguồn cung và giảm giá bán BĐS nhằm giúp "phá băng" thanh khoản thị trường là điều không hề đơn giản. Nguyên nhân trước hết là do vấn đề về nguồn cung không dễ được tháo gỡ trong ngắn hạn. Các vấn đề về nguồn cung thiếu hụt hay không phù hợp, mất cân đối cung cầu là một thực trạng đang diễn ra từ năm 2018 do các vấn đề pháp lý chứ không phải từ giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Về mức giá, các chi phí đầu vào như giá nguyên vật liệu, nhân công, lãi suất vay để phát triển dự án đang ngày càng gia tăng, cùng với đó là thời gian chờ thủ tục pháp lý kéo dài khiến BĐS khó giảm thêm.
Chính vì vậy, tính thanh khoản của thị trường vẫn là một bài toán đầy thách thức trong năm 2023. Thanh khoản các dự án trên thị trường có thể có những cải thiện hơn so với năm 2022, tuy nhiên, sự tăng trưởng bứt phá để thị trường hồi phục mạnh mẽ là rất khó.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguồn cung của thị trường BĐS thời điểm đầu năm không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nếu chính sách vĩ mô được điều chỉnh, từ cuối quý II/2023, những dự án phù hợp với nhu cầu như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, vướng mắc ở giai đoạn trước có khả năng sẽ được khơi thông, giúp đưa vào thị trường một nguồn cung mới.
Đồng thời, các giải pháp khơi thông thị trường BĐS sẽ được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại “Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững” vừa qua sẽ là “đòn bẩy” lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
Ông Đính cho rằng, thực tế hiện tại thị trường BĐS vẫn đang khó khăn, mọi thứ đang có sự điều chỉnh, song vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan. Trong đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước đề xuất và nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay chắc chắn sẽ kích thích được thị trường BĐS phát triển tốt trở lại theo hướng bền vững và lành mạnh. Bởi, các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ phải chọn đúng dòng sản phẩm trọng tâm và có pháp lý hoàn chỉnh.
“Từ giữa tháng 2 tới nay, ghi nhận của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, thị trường đã rục rịch giao dịch trở lại. Mặc dù, giao dịch chưa thể sôi động ngay nhưng cho thấy thị trường đang dần có dấu hiệu vực dậy niềm tin” - ông Đính cho hay.
Theo ông Đính, hiện nay chúng ta đang trong quá trình sửa đổi các luật liên quan tới BĐS. Do đó, những vấn đề về pháp lý trước mắt cần có những giải pháp linh hoạt, phù hợp để ổn định thị trường. Vấn đề về pháp lý rất quan trọng, nếu không giải quyết được thì dù có bơm tiền các dự án vẫn sẽ bị tê liệt.
Thực tế, nhiều dự án BĐS hiện nay đang vướng mắc về vấn đề pháp lý khiến không có hàng mới đưa ra thị trường, dẫn tới nguồn cung suy giảm trong nhiều năm nay. Do đó, việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý đang là vấn đề cốt lõi để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, để tháo gỡ vướng mắc lĩnh vực BĐS, cần tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải toả, dòng tiền từ đây mà ra. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý chính là củng cố niềm tin cho thị trường.
Bên cạnh đó, dòng vốn từ M&A rất quan trọng với thị trường BĐS, nhiều doanh nghiệp kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A.
Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam