TIẾP TỤC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

(VTC News) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Sáng 3/3, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề, cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân...

Thủ tướng nhắc tới một số vấn đề trên thế giới tác động tới tình hình trong nước như lạm phát ở Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao thời gian tới.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, tác động lan tỏa, truyền cảm hứng để làm các công việc khác.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chỉ còn 1 tháng nữa là hết quý I năm 2023 - quý khởi đầu và tạo đà cho cả năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Ông đề nghị các đại biểu tập trung phân tích kỹ lưỡng tình hình, đánh giá khách quan, trung thực về những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra các bài học kinh nghiệm. Các đại biểu, chuyên gia cần dự báo sát tình hình sắp tới, chỉ ra những thuận lợi, thời cơ và những khó khăn, thách thức, đề ra giải pháp phù hợp, kịp thời để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, vượt qua các thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải.

Theo các báo cáo tại phiên họp, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Quá đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt những kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong 2 tháng, thu ngân sách nhà nước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; xuất siêu 2,82 tỷ USD; an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. So với cùng kỳ, CPI giảm từ 4,89% trong tháng 1 xuống 4,31% trong tháng 2. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất được điều chỉnh giảm; điều hành tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường. 

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng trở lại, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 51,2 điểm, ở mức trên 50 điểm trong tháng 2, thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao, du lịch phục hồi nhanh.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đời sống người dân tiếp tục cải thiện. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh; thông tin truyền thông được tăng cường.

Theo chương trình, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Chính phủ tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; thực trạng tình hình thị trường quốc tế và trong nước, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; tình hình thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Nguồn: VTC News

Top